Nguồn gốc Nghiệp (Phật giáo)

Một nghiệp được gây ra hoặc bằng một hành động thuộc thân, thuộc tâm hay ngôn ngữ. Như thế khi chúng sinh có ý làm cái gì thì đã tạo nghiệp, không nhất thiết việc làm đó có xảy ra hay không. Chính tư tưởng đã tạo tác nghiệp. Một hành động sẽ không gây nghiệp nếu nó được thực hiện mà không xuất phát từ tham, sân, si. Một nghiệp tốt có thể mang lại kết quả tốt trong một sự tái sinh. Tạo nghiệp tốt không có nghĩa là chấm dứt tái sinh. Muốn thoát khỏi luân hồi, chúng sinh phải từ bỏ nghiệp tốt lẫn nghiệp xấu. Cần phải hiểu nghiệp và nghiệp lực không đồng nghĩa với thuyết cho rằng mọi sự đều được quyết định sẵn (thuyết định mệnh).

Nghiệp tạo ra quả báo trong tương lai. Quả báo khi đủ nhân duyên sẽ làm chúng sinh tái sinh vào một cuộc đời, một hoàn cảnh nhất định, một điều kiện sống cụ thể, nhưng hành động của chúng sinh trong cuộc đời đó vẫn có sự tự do và dựa theo nhận thức của chúng sinh đó. Hành động do chúng sinh lựa chọn thực hiện sẽ tạo ra nghiệp mới và quả báo mới. Phật dạy: "Ác nghiệp chính do mình tạo, tự mình sinh ra. Ác nghiệp làm hại kẻ ngu dễ dàng như kim cương phá hoại bảo thạch... Làm dữ bởi ta, mà nhiễm ô cũng bởi ta; làm lành bởi ta, mà thanh tịnh cũng bởi ta. Tịnh hay không tịnh đều bởi ta, chứ không ai có thể làm cho ai thanh tịnh được."